Hiệu quả từ tiếp cận chứng chỉ du lịch xanh tại Quảng Nam

23/01/2024

Làm thế nào để tiếp cận chứng chỉ xanh đơn giản, hiệu quả là điều mà các cơ quan quản lý hành chính về du lịch, cơ quan quản lý điểm đến, doanh nghiệp du lịch,…tại Quảng Nam đang rất quan tâm vì các chứng nhận xanh ngày càng có giá trị trong việc xúc tiến, thu hút dòng khách du lịch có trách nhiệm.

Phát huy giá trị chứng nhận xanh

Năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch về phát triển du lịch xanh đến năm 2025 cùng Bộ Tiêu chí du lịch xanh, có sự hỗ trợ của Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sỹ ở Việt Nam (SSTP). Đến thời điểm này, đã có 20 đơn vị đạt chứng nhận du lịch xanh theo Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam, trong đó có 11 đơn vị đạt chứng nhận 3/3 Lá Sâm Ngọc Linh; 9 đơn vị đạt chứng nhận 2/3 Lá Sâm Ngọc Linh. 


Các du khách “nhí” trải nghiệm không gian xanh tại Silk Sense Hoi An Resort- khách sạn không rác thải nhựa

Theo thống kê, hiện có tới 150 chứng nhận du lịch bền vững ở cấp độ quốc gia, khu vực và trên toàn cầu. Theo SSTP, các chứng nhận này dựa trên tiêu chí cấp cao, điều mà chỉ có một số doanh nghiệp du lịch lớn ở Việt Nam có thể đạt được, trong khi phần lớn doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam ở quy mô vừa và nhỏ.

Bà Hoàng Quế Nga, chuyên gia du lịch của SSTP cho biết, Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam đã được thiết kế phù hợp và bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực cho đơn vị được cấp chứng nhận nhưng cần tiếp tục được hoàn thiện.

Quảng Nam là địa phương tiên phong phát triển du lịch xanh trên toàn quốc, nhiều doanh nghiệp du lịch đã thực hành du lịch xanh rất tốt. Tỉnh đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí du lịch Xanh phù hợp với điều kiện kinh doanh du lịch tại Quảng Nam; đã có  những lợi ích rất rõ ràng đối với doanh nghiệp và người lao động khi thực hiện tiêu chí du lịch Xanh; Khách hàng rất hài lòng và đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp khi thực hiện theo tiêu chí DL Xanh

Bên cạnh đó, cũng có những khó khăn khi thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh tại Quảng Nam trong thời gian qua. Chủ yếu đến từ rào cản về tâm lý; nhận thức và nhân lực, tài chính,…

Phát triển theo hướng có lợi cho các bên tham gia

Từ những thuận lợi, khó khăn thực tế thời gian qua, các chuyên gia STTP đã đưa ra kiến nghị, đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí và chỉ số của Bộ tiêu chí du lịch xanh để phù hợp với điều kiện kinh doanh du lịch đã thay đổi; Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp du lịch về việc thực hiện bộ tiêu chí du lịch Xanh thông qua các buổi chia sẻ kinh nghiệm thực tế;  Xây dựng đội ngũ đánh giá viên và đề xuất kinh phí cho hoạt động đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp thực hiện tiêu chí du lịch Xanh;   Xây dựng bản đồ doanh nghiệp du lịch Xanh Quảng Nam cho khách du lịch; Hợp tác với các tổ chức du lịch bền vững quốc tế để các doanh nghiệp có thể tiến lên bước tiếp theo – đạt chứng nhận quốc tế. 

Theo ông Văn Bá Sơn, Phó giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam: Việc xây dựng các sản phẩm DL theo hướng xanh, bền vững là điều tất yếu. Quảng Nam là địa phương có nhiều dư địa để phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng, trải nghiệm,…Tất cả loại hình du lịch đó, chủ trương của tỉnh hiện nay mong muốn hướng đến các sản phẩm du lịch xanh, bền vững, thân thiện môi trường, đồng thời mang lại sinh kế, lợi ích cho cộng đồng. 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các sản phẩm du lịch xanh của Quảng Nam cũng gặp một số khó khăn như: Sự vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân chưa được sẵn sàng, mất khá nhiều thời gian và nguồn lực, thay đổi hành vi để chuyển từ du lịch truyền thống sang sản phẩm du lịch bền vững, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Sự hỗ trợ bằng cơ chế, bằng tài chính của Nhà nước cho các chủ thể doanh nghiệp, các khu điểm du lịch,…để chuyển đổi từ loại hình truyền thống sang bền vững hơn, xanh hơn cũng chưa có đầy đủ. 


Du khách trải nghiệm tại làng Củi Lũ, Hội An- không gian làng nghề điêu khắc truyền thống, sử dụng tài nguyên tái chế 

Theo ông Sơn, quan trọng nhất là phải làm sao để doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc phải chuyển sang du lịch theo hướng bền vững, xanh, cụ thể theo Bộ tiêu chí du lịch xanh đã ban hành. 

Để giải quyết những vấn đề trên, thời gian đến cần phải có cơ chế rõ ràng, hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp, cho cộng đồng để giúp các đơn vị dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc chuyển đổi sản phẩm du lịch truyền thống sang hướng xanh, bền vững. 
Phải có chính sách tuyên truyền một cách rõ ràng, rộng lớn, sâu hơn nữa, có sự kết nối trong nước và ngoài nước đến với các sản phẩm du lịch xanh để từ đó tạo ra động lực kết nối du khách đến với các khu, điểm, doanh nghiệp du lịch phát triển du lịch xanh, để các đơn vị nhận ra rằng phát triển du lịch có lợi ích hơn trong vấn đề quản trị doanh nghiệp, trong vận hành, doanh thu, trong giảm chi phí về nhân lực, có tác động tích cực đến môi trường,..

Trong thời gian sắp tới, ngành du lịch Quảng Nam sẽ liên kết với các địa phương, nhất là các địa phương trong các nhóm liên kết để thúc đẩy sản phẩm du lịch xanh, tuyên truyền, quảng bá, hướng đến lan tỏa hoạt động này đến các khu vực khác. Có sự kết nối với các tạp chí, tổ chức quốc tế đang hướng đến du lịch xanh để tuyên truyền sâu rộng đến du khách, người dân,…

“Theo khảo sát của nhiều tạp chí, các tổ chức phi chính phủ về du lịch xanh thì hơn 50% du khách có thể sẵn sàng tăng thêm chi phí nghỉ dưỡng, du lịch của mình đến các cơ sở có chứng nhận du lịch xanh hoặc có những hoạt động bền vững. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền, thực hành du lịch xanh thì sẽ thu hút du khách đến, doanh thu tăng, sẽ là cú hích, động lực quan trọng để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hành du lịch xanh tốt hơn”, ông Sơn chia sẻ. 

http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/73909/hieu-qua-tu-tiep-can-chung-chi-du-lich-xanh-tai-quang-nam


Z