Tiếp tục thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững

15/11/2023

Lần thứ hai tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch trong năm 2023, Chính phủ tái khẳng định quyết tâm tăng tốc, phục hồi ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Q.T

Sáng 15/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững" theo hình thức trực tuyến với các địa phương. Tham dự ở điểm cầu Quảng Nam có Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.

Điểm sáng của nền kinh tế 2023

Đến hết tháng 10/2023, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 9,97 triệu lượt. Lượng khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Theo đó, lượng khách quốc tế đã vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cả năm.

Theo báo cáo đánh giá của Bộ KH-ĐT, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng tại lễ trao Giải thưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 của Giải thưởng World Travel Awards, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên trên bản đồ du lịch thế giới.

Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng trưởng khoảng 50 - 75% - mức tăng cao thứ 4 thế giới.

Theo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2021, Việt Nam xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số xếp hạng này cao nhất.

Khách quốc tế đến Mỹ Sơn tăng trưởng mạnh trong năm 2023. Ảnh: Q.T

Với Quảng Nam, du lịch cũng được đánh giá là điểm sáng lớn trong bối cảnh nền kinh tế của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, kế hoạch ban đầu của Quảng Nam là đón 2 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 nhưng tình hình có nhiều thuận lợi nên mục tiêu này đã sớm đạt được.

Sau đó ngành du lịch tiếp tục nâng mục tiêu lên 3,5 triệu lượt, đến hết tháng 10/2023 thì lượng khách quốc tế của tỉnh là 3,3 triệu lượt và dự kiến cũng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu.

Từ đầu năm, ngành du lịch và đơn vị du lịch ở Quảng Nam cũng đạt được nhiều vinh danh ở cấp độ quốc tế như: Quảng Nam lọt tốp 4 điểm đến du lịch xanh hàng đầu châu Á theo chuyên trang du lịch Wanderlust, Hội An lọt tốp 15 thành phố được yêu thích nhất châu Á theo Travel & Leisure, cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành đạt Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023...


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: Q.T

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, 20 thị trường gửi khách hàng đầu Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2023 gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Úc, Singapore, Anh, Pháp, Đức, Philippines, Canada, Lào, Nga, Indonesia, Ấn Độ, Hà Lan.

Đổi mới tư duy, thích ứng xu thế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng tạo sinh kế cho nhân dân, xóa đói giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế cũng như bảo tồn phát huy giá trị lịch sử dân tộc, cầu nối giao lưu quốc tế.

"Đây là hội nghị chuyên đề phát triển du lịch thứ 2 trong năm 2023, điều này cho thấy Chính phủ đang rất quan tâm và đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành du lịch tăng tốc phục hồi, phát triển nhanh bền vững. 

Du lịch là ngành kinh tế đa ngành và nếu chúng ta làm tốt sẽ thu được rất nhiều hiệu quả. Sau hội nghị này sẽ hoàn thiện nội dung để ban hành chỉ thị của Thủ tướng nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch toàn diện, nhanh, bền vững. Chúng ta cần phải đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận xử lý vấn đề tốt hơn để đạt mục tiêu đề ra trong chặng đường sắp tới" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, du lịch là ngành kết hợp rất nhiều ngành. Kinh tế du lịch hàm chứa cả kinh tế sáng tạo, kinh tế văn hóa... nên đòi hỏi hệ sinh thái đầy đủ. Để thích ứng với xu thế mới của du lịch hiện nay rất cần giới chuyên môn rất nhiều lĩnh vực vào cuộc để tư vấn về các giải pháp, chiến lược, sản phẩm thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững.

Với việc sớm hoàn thành kế hoạch đề ra, Bộ VH-TT&DL đã đề xuất điều chỉnh mục tiêu tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 từ 12 - 13 triệu lượt (so với mục tiêu đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế trước đó).

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, mục tiêu của ngành du lịch đến năm 2025 sẽ đưa ngành du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu. Phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đóng góp trực tiếp từ 6 - 8% trong GDP.

“Đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng về cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Đón 35 triệu lượt khách quốc tế, đón 160 triệu lượt khách nội địa và đóng góp trực tiếp từ 10 - 13% trong GDP quốc gia” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

https://baoquangnam.vn/du-lich/tiep-tuc-thuc-day-nganh-du-lich-phat-trien-nhanh-ben-vung-151396.html


Z